Theo Điều 115 BLDS năm 2015, quyền tài sản là quyền có thể trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Cách định nghĩa này vừa có tính mở (cho phép thừa nhận những quyền tài sản mới phát sinh trong thực tiễn) nhưng đồng thời lại gây khó khăn trong việc xác định giới hạn cụ thể, nhất là khi chưa có những tiêu chí rõ ràng để nhận diện “các quyền tài sản khác”.
Trong phần tham luận tại hội thảo, TS. Vũ Thị Diệu Thúy (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhấn mạnh rằng tài khoản mạng xã hội hoàn toàn có thể được coi là một dạng quyền tài sản, xét cả về lý luận và thực tiễn. Bà lập luận rằng tài khoản mạng xã hội có thể tạo ra giá trị kinh tế thực tế, thông qua hoạt động tương tác, quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng, khai thác lưu lượng truy cập (traffic) và thu lợi từ các nền tảng như YouTube, TikTok.
TS Thúy cho biết, quyền sử dụng và kiểm soát tài khoản mạng xã hội hiện nay đã mang đầy đủ đặc điểm của quyền sở hữu, bao gồm:
Quyền sử dụng: Đăng bài, chỉnh sửa nội dung, kết nối với tài khoản khác, livestream, quảng bá…
Quyền định đoạt: Xóa vĩnh viễn, đóng tài khoản, chuyển nhượng, cho thuê, hoặc chia sẻ quyền quản lý.
Quyền thu lợi: Nhận doanh thu từ nền tảng, hợp tác quảng cáo, tiếp thị liên kết…
Theo bà, việc định danh tài khoản mạng xã hội là tài sản ảo hay “quyền tài sản” có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ tài khoản, đặc biệt trong các tranh chấp phát sinh như tranh chấp giữa người lao động – người sử dụng lao động về tài khoản doanh nghiệp, tranh chấp giữa đối tác kinh doanh hoặc giữa các thành viên gia đình trong di chúc, thừa kế.
Bên cạnh quan điểm của TS Thúy, một số học giả và chuyên gia khác tại hội thảo lại cho rằng cần phân loại tài khoản mạng xã hội thành hai nhóm chính: tài khoản cá nhân và tài khoản phục vụ mục đích kinh doanh.
Với tài khoản cá nhân, vấn đề tài sản không thực sự nổi bật và thường gắn liền với yếu tố riêng tư, nhân thân.
Trong khi đó, tài khoản kinh doanh có thể được bảo vệ thông qua cơ chế bảo mật thông tin hoặc bí mật kinh doanh, bởi bản thân việc kiểm soát tài khoản phụ thuộc vào mật khẩu và các tầng xác thực khác.
Thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động phát sinh xoay quanh việc ai là “chủ sở hữu thực sự” của một tài khoản mạng xã hội có giá trị kinh doanh, chẳng hạn một fanpage được phát triển trong quá trình làm việc nhưng lại do cá nhân nhân viên nắm quyền truy cập.
TS Thúy cho rằng tranh cãi về bản chất pháp lý của tài khoản mạng xã hội có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận từ phía quyền tài sản. Bà lập luận: nếu quyền truy cập và sử dụng tài khoản có thể trị giá được bằng tiền, thì hoàn toàn có thể xếp vào phạm vi của Điều 115 BLDS – tức là một dạng quyền tài sản phi vật thể.
Điều quan trọng là tài khoản mạng xã hội không tự thân sinh ra giá trị, mà giá trị nằm ở việc khai thác và vận hành nó một cách hiệu quả. Nhiều tài khoản có thể được mua bán, chuyển nhượng với giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng – chứng minh tính “thương mại hóa” rõ rệt của chúng.
Bên cạnh việc ghi nhận giá trị thực tiễn của tài khoản mạng xã hội, nhiều đại biểu tại hội thảo đề nghị nhà lập pháp cần sớm xây dựng quy định pháp lý cụ thể để:
Xác định địa vị pháp lý của tài khoản mạng xã hội (tài sản, quyền sở hữu hay đối tượng của hợp đồng?);
Quy định rõ cơ chế chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê hoặc góp vốn bằng tài khoản mạng xã hội;
Có biện pháp xử lý các tranh chấp phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt liên quan đến quyền quản lý và thu lợi từ tài khoản.
Cũng tại hội thảo, vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất tiếp tục là chủ đề pháp lý được quan tâm. Theo ThS Nguyễn Thị Thu Sương, Luật Đất đai 2024 đã bỏ yêu cầu đăng ký chuyển quyền sử dụng đất là điều kiện làm phát sinh hiệu lực pháp lý của hợp đồng, thay vào đó chỉ cần hợp đồng đáp ứng điều kiện theo luật là có hiệu lực giữa các bên.
TS Nguyễn Xuân Quang bổ sung rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất sẽ được xác định theo Điều 161 BLDS 2015, tức là tại thời điểm chuyển giao quyền, chứ không phải thời điểm đăng ký.
Hội thảo đã mở ra một hướng tiếp cận mới, mang tính gợi mở trong việc định danh tài khoản mạng xã hội là một loại quyền tài sản trong bối cảnh kinh tế số phát triển. Trong tương lai gần, nếu pháp luật chính thức công nhận điều này, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc pháp lý hóa tài sản kỹ thuật số, tạo nền tảng pháp lý rõ ràng cho các giao dịch, tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể trong nền kinh tế số.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong bất kỳ tổ chức nào, bên cạnh những người trực tiếp "ra trận" tạo nên doanh thu, còn có những "kiến trúc sư thầm lặng" xây dựng nên nền móng vững chắc. Tại Luật Nguyễn, người ta thường nhắc đến những luật sư dày dạn kinh nghiệm, nhưng ít ai biết về Nguyễn Thị Kim Hường – một trong những...