Quy định này được đánh giá là cần thiết và cấp bách nhằm đối phó với tình trạng tái nghiện ngày càng gia tăng, làm phát sinh nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như cướp giật, trộm cắp, bạo lực, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Điểm mấu chốt của quy định mới là: không phải mọi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 256a, chỉ trong bốn trường hợp đặc biệt, người sử dụng ma túy mới bị xem xét xử lý hình sự, bao gồm:
Người đang trong thời gian cai nghiện bắt buộc hoặc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế (như Methadone);
Người đang trong thời gian bị quản lý sau cai nghiện;
Người trong vòng 2 năm kể từ khi kết thúc thời gian quản lý sau cai nghiện và thuộc diện bị quản lý người sử dụng ma túy trái phép;
Người trong vòng 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị bằng thuốc thay thế.
Theo quy định, những cá nhân rơi vào một trong các trường hợp nêu trên mà vẫn sử dụng ma túy, sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 3 năm. Nếu tái phạm, khung hình phạt sẽ tăng lên từ 3 năm đến 5 năm tù.
Luật sư Lê Viết Kỳ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tội sử dụng trái phép chất ma túy đã từng được quy định trong BLHS 1999. Tuy nhiên, từ năm 2009, khi sửa đổi BLHS, tội danh này bị loại bỏ với lý do hướng tới chính sách nhân đạo, chuyển trọng tâm sang xử lý hành chính và điều trị. Trong suốt giai đoạn từ 2009 đến trước 1-7-2025, người sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021 với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, hoặc bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nếu đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, chế tài hành chính đã không còn đủ sức răn đe, nhất là trong bối cảnh người nghiện dễ dàng tái nghiện và có thể gây ra nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm. Việc tái lập Điều 256a là nhằm lấp khoảng trống pháp lý này, tạo công cụ pháp lý đủ mạnh để ngăn ngừa tái nghiện, đồng thời răn đe người đang trong diện quản lý nhưng vẫn cố tình sử dụng ma túy.
Một nguyên thẩm phán tại TP.HCM cho biết: tội danh mới chỉ hướng đến người đã, đang hoặc vừa cai nghiện mà tiếp tục sử dụng, chứ không áp dụng chung cho mọi cá nhân sử dụng ma túy. Trong trường hợp một người mua ma túy về để sử dụng, họ có thể bị xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Như vậy, hành vi "dùng ma túy" vẫn có thể bị truy tố theo tội khác tùy theo bối cảnh.
Không chỉ bổ sung tội danh sử dụng ma túy, Luật sửa đổi BLHS 2025 còn siết chặt hình phạt đối với các tội liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả và ma túy. Cụ thể:
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249): khung hình phạt tối thiểu tăng từ 1 năm lên 3 năm tù.
Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235): khung phạt tiền tăng từ tối đa 500 triệu đồng lên 1 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 2 đến 3 năm.
Tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 194): vẫn là tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng được bỏ hình phạt tử hình để phù hợp với xu hướng nhân đạo hóa chính sách hình sự.
Điều 40 BLHS được sửa đổi theo hướng mở rộng nhóm người không bị thi hành án tử hình, bao gồm:
Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Người từ đủ 75 tuổi trở lên;
Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối (mới bổ sung).
Đặc biệt, 8 tội danh sau đây sẽ được loại bỏ hình phạt tử hình, bao gồm:
Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
Phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114);
Gián điệp (Điều 110);
Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc (Điều 194);
Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);
Tham ô tài sản (Điều 353);
Nhận hối lộ (Điều 354);
Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Đối với hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, khi hình phạt tử hình được bỏ, người bị kết án chung thân chỉ được xét giảm án nếu:
Tự nguyện nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ;
Tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, hoặc lập công lớn.
Việc bổ sung tội danh "sử dụng trái phép chất ma túy" là sự quay trở lại cần thiết, phù hợp với thực tiễn, giúp chuyển từ phòng ngừa mềm sang xử lý cứng rắn đối với những người có hành vi tái nghiện bất chấp cảnh báo và hỗ trợ.
Trong bối cảnh tội phạm liên quan đến ma túy đang ngày càng trẻ hóa, phức tạp hóa và gắn liền với công nghệ cao, việc hoàn thiện khung pháp lý, xử lý mạnh tay là điều kiện tiên quyết để bảo vệ an ninh xã hội và tương lai của giới trẻ.
Ý kiến bạn đọc
Trong bất kỳ tổ chức nào, bên cạnh những người trực tiếp "ra trận" tạo nên doanh thu, còn có những "kiến trúc sư thầm lặng" xây dựng nên nền móng vững chắc. Tại Luật Nguyễn, người ta thường nhắc đến những luật sư dày dạn kinh nghiệm, nhưng ít ai biết về Nguyễn Thị Kim Hường – một trong những...