Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 đã bổ sung nhiều điểm nhân đạo, như bỏ án tử hình với tám tội danh và không thi hành án tử với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ngoài ra, một thay đổi đáng chú ý là việc tách hình phạt "20 năm, chung thân hoặc tử hình" thành hai khung độc lập: "20 năm hoặc chung thân" và "chung thân hoặc tử hình" tại các điều 248 và 251 về tội phạm ma túy.
Theo đó, các bản án tử hình tuyên trước ngày 1-7-2025 nhưng chưa thi hành sẽ được xem xét chuyển thành tù chung thân nếu người bị kết án rơi vào một trong hai trường hợp sau:
Khối lượng ma túy ghi trong bản án bằng hoặc thấp hơn mức tối thiểu quy định tại khoản 5 Điều 248 hoặc Điều 251.
Khối lượng ma túy vượt mức tối thiểu, nhưng người phạm tội không phải là chủ mưu, cầm đầu và không có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên.
TAND Tối cao đang xem xét hai hướng tiếp cận khác nhau:
Quan điểm 1 cho rằng nên quy định rõ: nếu người phạm tội có hai tình tiết tăng nặng thì cần có ít nhất bốn tình tiết giảm nhẹ, trong đó ba tình tiết phải thuộc khoản 1 Điều 51 BLHS, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ và hạn chế lạm dụng chính sách nhân đạo.
Quan điểm 2 phản đối việc bổ sung điều kiện mới không có trong luật. Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân lập luận rằng, quy định như vậy vượt thẩm quyền của văn bản dưới luật, trái với tinh thần khoan hồng mà Quốc hội đã thông qua. Việc làm này có thể gây rào cản pháp lý, làm thu hẹp khả năng cải tạo của người phạm tội, ảnh hưởng đến niềm tin vào chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh thì đề xuất một phương án dung hòa: chỉ xem xét chuyển hình phạt nếu người phạm tội không có quá một tình tiết tăng nặng, đồng thời có ít nhất ba tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS. Đây được xem là phương án vừa đảm bảo tính khoan hồng, vừa giữ được tính răn đe cần thiết.
Dự thảo Thông tư cũng đặt vấn đề về việc hủy quyết định chuyển hình phạt tử hình sang tù chung thân nếu căn cứ nhân đạo ban đầu không còn. Ví dụ, nếu một người được giảm án do mắc ung thư giai đoạn cuối nhưng sau đó phát hiện không mắc bệnh, thì có nên hủy quyết định giảm án hay không.
Có hai quan điểm:
Quan điểm 1 đề xuất nên quy định rõ việc hủy bỏ quyết định chuyển hình phạt trong những trường hợp như vậy để đảm bảo sự công bằng và thống nhất trong thực tiễn xét xử.
Quan điểm 2 cho rằng không nên đưa nội dung này vào Thông tư, vì đã có các quy định pháp luật khác điều chỉnh.
Dự thảo Thông tư liên tịch lần này được đánh giá là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật mới, đồng thời đảm bảo chính sách hình sự ngày càng hướng đến sự cân bằng giữa nghiêm trị và cải tạo. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo đang đứng trước lựa chọn giữa giữ nghiêm luật định hay mở rộng cơ hội nhân đạo một cách hợp lý, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Từ những bước đi đầu tiên, Luật Nguyễn đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những đơn vị tư vấn pháp lý hàng đầu tại Việt Nam, mang đến các giải pháp toàn diện, chuyên nghiệp và đáng tin cậy cho hàng ngàn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. LUẬT NGUYỄN - HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG UY TÍN TỪ...