Hiện tại, theo Luật Thuế TNCN, thu nhập từ tiền lương, tiền công đang áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc, với mức thuế suất từ 5% đến 35%. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, biểu thuế được rút gọn xuống 5 bậc, nhưng mức thuế suất cao nhất 35% vẫn được giữ nguyên trong cả hai phương án. Cụ thể: phương án 1 áp dụng mức này từ thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng; phương án 2 là trên 100 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng mức thuế 35% là quá cao, nhất là khi chỉ áp dụng cho người làm công ăn lương – nhóm mà ông cho là “có tóc” nên dễ bị thu thuế. Ông Tú đề xuất nên thiết kế lại biểu thuế 5 bậc như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
---|---|---|
1 | Đến 30 | 5 |
2 | Trên 30 đến 70 | 10 |
3 | Trên 70 đến 120 | 15 |
4 | Trên 120 đến 200 | 20 |
5 | Trên 200 | 25 |
Ông Tú cho rằng biểu thuế này sẽ giúp giảm gánh nặng thuế, phù hợp với thực tế kinh tế và khuyến khích người lao động có thu nhập cao.
Tương tự, ông Phan Hữu Nghị (Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định rằng việc Bộ Tài chính bỏ đi các mức thuế suất 10% và 20%, trong khi vẫn giữ nguyên mức trần 35%, tạo ra độ dốc thuế quá lớn giữa các bậc. Ông đề xuất biểu thuế với cấu trúc giãn cách hợp lý hơn:
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
---|---|---|
1 | Đến 10 | 5 |
2 | Trên 10 đến 30 | 10 |
3 | Trên 30 đến 70 | 15 |
4 | Trên 70 đến 150 | 20 |
5 | Trên 150 | 25 |
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) thì cảnh báo rằng mức thuế suất 35% áp cho thu nhập chỉ mới ở mức khá (dưới 1 tỷ đồng/năm) là không hợp lý, khiến người lao động mất động lực phấn đấu. Theo ông, cần có cơ chế tự động điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo tỷ lệ lạm phát hằng năm thay vì để biểu thuế “nằm im” trong thời gian dài như hiện nay.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, số thu từ các bậc thấp (5%, 10%) chỉ chiếm khoảng 6% tổng thu TNCN; bậc 15% chiếm khoảng 7%; các bậc 20%, 25%, 30% chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, số thu từ bậc cao nhất (35%) chiếm trên 50% tổng thu, mỗi năm thu về gần hoặc hơn 40.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức thuế cao nhất đang góp phần rất lớn vào ngân sách, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tính công bằng và động lực làm việc của người lao động có thu nhập cao
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Trong hành trình hơn 25 năm phát triển của Luật Nguyễn, bên cạnh những bước tiến mạnh mẽ và thành tựu đáng tự hào, không thể không nhắc đến những con người đã đặt nền móng và gắn bó trọn vẹn với sự nghiệp chung. Luật sư Trần Đình Phúc là một trong số ấy. 1. Người đồng hành từ những ngày đầu...