Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương đầy quyết tâm này, các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp đều đồng tình rằng Hà Nội cần sớm triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể, minh bạch và hỗ trợ phù hợp để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, đồng thuận và không gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội.
Chủ trương cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 được nhiều người dân sinh sống và làm việc trong khu vực ủng hộ, dù không ít người vẫn đang sử dụng xe máy chạy xăng là phương tiện chính.
Bà Trần Thị Tuyết, cư dân phường Giảng Võ, chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn dùng hai chiếc xe máy còn rất tốt, mới sử dụng được 5-6 năm. Tuy nhiên, nếu có hỗ trợ thỏa đáng từ nhà nước, tôi sẵn sàng chuyển sang xe điện.”
Bà Tuyết đề xuất, chính quyền có thể hỗ trợ 50% giá trị xe máy điện hoặc cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất 1% trong vòng 5 năm cho người dân muốn mua xe mới.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan, cư dân phường Yên Sở, làm việc tại phường Ngọc Hà – khu vực nằm trong Vành đai 1 – cho biết việc cấm xe máy có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày, đặc biệt với người lao động. Dù mới mua xe máy xăng năm ngoái, chị Lan vẫn ủng hộ chính sách nếu có thêm tuyến xe buýt, tăng tần suất hoạt động và đầu tư buýt điện thay thế.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nhận định rằng đây là một chính sách mang tính cách mạng, không chỉ về giao thông mà còn về môi trường, sức khỏe cộng đồng và chiến lược phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bà An cảnh báo khối lượng công việc trong khoảng thời gian còn lại là rất lớn. TP Hà Nội cần khẩn trương:
Đầu tư phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro, xe đạp công cộng.
Xây dựng mạng lưới trạm sạc và bãi đỗ dành cho phương tiện điện.
Có chính sách rõ ràng hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là hộ thu nhập thấp.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để tăng tính đồng thuận.
“Nếu thiếu những điều kiện này, chính sách rất dễ bị người dân phản ứng hoặc không khả thi trong thực tế” – bà An nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, việc loại bỏ xe xăng trong Vành đai 1 là hành động cụ thể hóa cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trước năm 2050.
“Đây là cam kết của Thủ tướng trước toàn thế giới. Không thể nói làm là làm được – phải có hành động cụ thể, minh bạch, đồng bộ và hợp lý để người dân tin tưởng và sẵn sàng thực hiện” – ông Thanh nói.
Ông đề xuất TP Hà Nội cần:
Có nơi gửi xe, trạm trung chuyển thuận tiện cho người dân từ ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý bãi giữ xe và các điểm đón trả khách.
Thống kê đầy đủ xe máy trong khu vực để phân loại chính sách hỗ trợ theo tình trạng phương tiện.
Ban hành các gói hỗ trợ rõ ràng, công khai từ cấp phường, tổ dân phố.
Ngoài ngân sách thành phố, Hà Nội hoàn toàn có thể huy động thêm từ doanh nghiệp sản xuất xe, ngân hàng, nhà tài trợ…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Thanh Uy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, bày tỏ lo ngại: “Thời gian quá gấp, trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi, chưa có nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi.”
Theo ông Uy, tỷ lệ xe điện và xe lai trong hệ thống vận tải hiện rất thấp – chỉ khoảng 1-2%. Vì vậy, cần:
Xem xét kéo dài lộ trình cấm xe xăng đến sau năm 2030.
Hỗ trợ tài chính như vay ưu đãi, trợ giá mua xe điện cho doanh nghiệp và cá nhân.
Đồng bộ hóa hạ tầng: trạm sạc, trung tâm bảo dưỡng, phụ tùng thay thế.
Tăng cường năng lực hệ thống giao thông công cộng để thay thế dần xe cá nhân.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện Chỉ thị 20. Với lộ trình đã được vạch ra từ nhiều năm, TP sẽ không thay đổi mục tiêu, song việc điều chỉnh thời gian và biện pháp là điều cần thiết để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận xã hội.
Cốt lõi của vấn đề là làm sao để chính sách không chỉ đúng – mà còn làm được, làm hiệu quả và được người dân đồng hành. Việc chuyển đổi phương tiện không đơn thuần là hành động cá nhân, mà là chuyển động lớn của cả xã hội hướng tới một môi trường trong lành, một thủ đô đáng sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong bất kỳ tổ chức nào, bên cạnh những người trực tiếp "ra trận" tạo nên doanh thu, còn có những "kiến trúc sư thầm lặng" xây dựng nên nền móng vững chắc. Tại Luật Nguyễn, người ta thường nhắc đến những luật sư dày dạn kinh nghiệm, nhưng ít ai biết về Nguyễn Thị Kim Hường – một trong những...