Tại Việt Nam, công tác dân số và phát triển những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững trên cả nước. Một dấu mốc đáng chú ý trong năm nay là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số vào ngày 3-6-2025.
Theo đó, quy định giới hạn mỗi gia đình chỉ được sinh một hoặc hai con đã chính thức được bãi bỏ. Đây được xem là bước tiến quan trọng, mở đường cho việc khẳng định quyền sinh sản là quyền con người cơ bản, giúp người dân có thể chủ động quyết định số con phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và nguyện vọng cá nhân.
Sự thay đổi này không chỉ mang tính pháp lý mà còn thể hiện chuyển biến mạnh mẽ về tư duy chính sách dân số, từ mô hình kiểm soát sang mô hình trao quyền, nhấn mạnh đến quyền lựa chọn, sự tự do và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong quyết định sinh sản.
Hiện nay, Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật Dân số mới, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho chính sách dân số trong thời kỳ hiện đại. Dự thảo này nhấn mạnh quyền sinh sản như một trụ cột trong chiến lược dân số quốc gia, hướng tới bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế sinh sản, chăm sóc sức khỏe tình dục và thông tin giáo dục phù hợp cho mọi nhóm dân cư, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên và người yếu thế.
Luật mới không chỉ quan tâm đến số lượng dân số mà còn đặt trọng tâm vào chất lượng sống, cơ cấu dân số hợp lý, già hóa dân số và tận dụng cơ hội dân số vàng – những thách thức và tiềm năng đang song hành trong bối cảnh nhân khẩu học hiện nay.
Tại TP.HCM – đô thị lớn và sôi động nhất cả nước – công tác dân số đã được triển khai bài bản, đồng bộ với nhiều sáng kiến truyền thông hiệu quả trong giai đoạn 2020–2025.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM, chia sẻ: "Chúng tôi đã và đang thực hiện các mô hình truyền thông sáng tạo gắn với các vấn đề cấp thiết như mức sinh thấp kéo dài, chất lượng dân số chưa đồng đều, già hóa nhanh và bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cộng đồng."
Một số hoạt động trọng tâm bao gồm:
Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, giúp các cặp đôi chuẩn bị đầy đủ về thể chất và tinh thần trước khi lập gia đình.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhằm giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra mắc dị tật, nâng cao chất lượng giống nòi.
Thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt trong tiếp cận giáo dục và dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Thích ứng với già hóa dân số, thông qua phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đào tạo đội ngũ y tế lão khoa.
Khai thác hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực phát triển kinh tế từ lực lượng lao động trẻ và dồi dào hiện nay.
Nhấn mạnh về vai trò trung tâm của người dân trong chính sách dân số, ông Trung cho rằng việc trao quyền cho mỗi người – đặc biệt là phụ nữ và thanh niên – quyết định về sinh sản không chỉ là quyền con người cơ bản, mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội nhân văn, công bằng và phát triển bền vững.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không ai có thể thay bạn quyết định bạn sẽ sinh mấy con, khi nào kết hôn, hoặc có tiếp tục sinh thêm con nữa không. Đó là quyền của bạn. Nhưng quyền đó chỉ có ý nghĩa thực sự khi bạn có đầy đủ thông tin, được hỗ trợ bởi hệ thống dịch vụ y tế hiện đại, và sống trong một môi trường tôn trọng lựa chọn cá nhân," ông Trung nói.
Ngày Dân số Thế giới 2025 không chỉ là dịp để tôn vinh những thành tựu của công tác dân số mà còn là lời nhắc nhở rằng: quyền sinh sản là quyền con người, và việc bảo vệ quyền này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, y tế và xã hội. Trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, di cư, già hóa và bất bình đẳng, việc trao quyền sinh sản cho mỗi người không chỉ là cần thiết – mà là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Luật Nguyễn (Luật Nguyễn Corp) và người sáng lập Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao (TGEC), bà không chỉ là một luật sư tài năng mà còn là một nhà lãnh đạo, một người kết nối, và một tấm gương sáng về sự cống hiến và trách nhiệm. Với triết lý sống “Trao chữ tín...