Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trung tâm này được xác định là cơ sở quản trị cấp 1, hoạt động liên tục 24/7 với sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chia ca làm việc và hệ thống công nghệ giám sát tự động. Điểm nổi bật là việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu, cho phép nhận diện các hành vi vi phạm giao thông mà không cần sự hiện diện trực tiếp của lực lượng cảnh sát trên đường.
Hệ thống này hiện kết nối và đồng bộ với dữ liệu đăng ký xe, đăng kiểm, thuế, hải quan, y tế và nhiều cơ sở dữ liệu khác thuộc Bộ Công an. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ phân tích và điều hành toàn diện.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình khẳng định: “Nếu trước đây việc giám sát chủ yếu dựa vào con người, thì tới đây công nghệ sẽ đóng vai trò chính, bảo đảm tính công bằng, minh bạch và khách quan”. Dự kiến, từ trung tâm cấp 1 này, 34 trung tâm điều hành cấp tỉnh sẽ được thiết lập trong thời gian tới.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, các camera AI có khả năng nhận diện hơn 20 hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, đi sai làn... Sau khi ghi nhận hình ảnh, hệ thống sẽ lập tức trích xuất ảnh hoặc clip, xác định tuyến đường, thời điểm vi phạm và đối chiếu với cơ sở dữ liệu đăng ký xe để xác định chủ phương tiện.
Thông tin vi phạm được gửi trực tiếp tới chủ xe thông qua ứng dụng VNeTraffic. Việc xử lý gần như hoàn toàn tự động, giảm thiểu tình trạng tranh cãi giữa người dân và lực lượng chức năng, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong xử phạt.
Không chỉ giám sát vi phạm, trung tâm còn đảm nhiệm công tác quản lý toàn bộ hoạt động tuần tra kiểm soát. Trên bản đồ số, chỉ huy có thể nắm rõ vị trí, tên, số hiệu, phương tiện và trang thiết bị của từng tổ công tác. Điều này giúp điều phối nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời ngăn chặn tiêu cực trong quá trình tuần tra.
Hệ thống còn hỗ trợ điều tra tai nạn giao thông. Ví dụ, trong trường hợp gây tai nạn bỏ trốn, chỉ cần thông tin về màu xe và khung thời gian, trung tâm sẽ lọc dữ liệu camera, xác định các xe nghi vấn và tái dựng toàn bộ hành trình di chuyển của phương tiện để phục vụ điều tra.
Ngoài ra, AI còn có khả năng phát hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng, tụ tập đông người, nhận diện vũ khí nguy hiểm, thậm chí nhận dạng khuôn mặt đối tượng truy nã.
Một cải tiến quan trọng khác là quy trình xử phạt điện tử. Sau khi xác minh hành vi vi phạm, cảnh sát giao thông có thể lập biên bản điện tử, tích hợp dữ liệu với kho bạc, ngân hàng và cổng dịch vụ công. Người vi phạm chỉ cần xác nhận và có thể nộp phạt trực tuyến, không cần đến trụ sở làm việc.
Ứng dụng VNeTraffic hiện cung cấp nhiều tiện ích như tra cứu vi phạm qua biển số xe, theo dõi thông tin an toàn giao thông, đấu giá biển số, và cho phép người dân gửi hình ảnh vi phạm giao thông để cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Hiện hệ thống AI đang được vận hành thí điểm trên bốn tuyến cao tốc lớn: Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương. Giai đoạn đầu, trung tâm vừa vận hành vừa hiệu chỉnh để tối ưu hóa hoạt động. Giai đoạn tiếp theo, hệ thống sẽ được mở rộng, tăng mật độ camera, đặc biệt tại các tuyến cao tốc trọng điểm.
Việc ứng dụng AI vào giám sát giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu vi phạm, hạn chế tai nạn, đồng thời hình thành văn hóa giao thông văn minh, an toàn và hiện đại. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa lực lượng cảnh sát giao thông, đưa công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông lên tầm cao mới.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong đội ngũ luật sư kỳ cựu của Luật Nguyễn, có những người đã gắn bó từ thuở mới chập chững vào nghề, mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao cống hiến. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga là một trong số đó. Từ một cô sinh viên luật thực tập cho đến một luật sư chính thức, chị đã có hơn...