Theo ông Nguyễn Thanh Đảo – Chủ tịch HAA, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận người tiêu dùng với tốc độ nhanh chóng và chi phí thấp. Trong đó, hình thức bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee Live… trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương thức này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy, điển hình là tình trạng quảng cáo sai sự thật, sai công dụng, thậm chí đưa ra thông tin lừa dối người tiêu dùng.
Ông Đảo dẫn chứng thực tế: nhiều KOL (người có ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) đã bị xử lý hình sự hoặc phải gánh chịu hậu quả nặng nề về mặt uy tín vì quảng bá sản phẩm không đúng sự thật. Một số cá nhân vì chạy theo lợi nhuận hoặc không hiểu rõ pháp luật đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Trước thực trạng này, cuộc thi “Đấu trường chốt đơn” được tổ chức như một nỗ lực sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên – lực lượng lao động tương lai trong ngành quảng cáo và truyền thông – về tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp. Cuộc thi không chỉ là một sân chơi học thuật mà còn là cơ hội để người trẻ cọ xát thực tiễn, trải nghiệm việc xây dựng chiến dịch bán hàng đúng luật, hiệu quả và trung thực.
Nội dung cuộc thi xoay quanh việc mô phỏng quá trình xây dựng kịch bản livestream bán hàng, từ khâu giới thiệu sản phẩm, xử lý tình huống đến trả lời phản biện từ ban giám khảo – là các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, luật, thương mại điện tử.
Từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7-2025, gần 300 bài dự thi từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã được gửi về Ban tổ chức. Cuộc thi chia làm 3 vòng: Sơ khảo, Bán kết và Chung kết. Đây là một con số đáng khích lệ, cho thấy sự quan tâm lớn của giới trẻ với vấn đề quảng cáo đúng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Song song với cuộc thi, chuỗi hội thảo chuyên đề được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, giảng viên đại học và người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại số. Nội dung các buổi hội thảo bao gồm:
Kiến thức pháp lý về quảng cáo: Quy định pháp luật hiện hành, các hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo, trách nhiệm dân sự và hình sự của người làm nội dung.
Kỹ năng bán hàng và giao tiếp qua livestream: Cách thiết kế nội dung hấp dẫn, giữ chân người xem, xử lý tình huống phát sinh khi tương tác trực tuyến.
Đạo đức trong kinh doanh và truyền thông: Vai trò của lòng tin trong thương hiệu, kỹ năng phản biện trước thông tin giả và cách bảo vệ uy tín cá nhân khi tham gia hoạt động thương mại số.
Ông Nguyễn Thanh Đảo nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn cuộc thi này sẽ truyền cảm hứng cho sinh viên trở thành những người làm nghề có tâm – có tầm – có trách nhiệm trong kỷ nguyên số. Việc làm quảng cáo đúng sự thật không chỉ là tuân thủ pháp luật, mà còn là cách bảo vệ chính mình và xây dựng niềm tin vững chắc với người tiêu dùng.”
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi bao gồm:
01 giải Nhất
01 giải Nhì
11 giải Ba
07 giải Triển vọng
Tổng giá trị tiền mặt lên tới 25 triệu đồng, chưa kể các phần quà hiện vật hấp dẫn đến từ các nhà tài trợ như thiết bị livestream, gói học bổng đào tạo kỹ năng số và các sản phẩm công nghệ hỗ trợ học tập, làm việc.
Cuộc thi “Đấu trường chốt đơn” không chỉ là nơi để sinh viên thể hiện bản lĩnh cá nhân, mà còn là hành trình giáo dục hướng đến xây dựng một cộng đồng làm truyền thông minh bạch, trung thực và vững mạnh trong tương lai. Hội Quảng cáo TP.HCM hy vọng rằng từ sân chơi này, sẽ có thêm nhiều nhân sự trẻ bước vào ngành với tâm thế sẵn sàng nói “Không với quảng cáo sai sự thật”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Luật Nguyễn (Luật Nguyễn Corp) và người sáng lập Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao (TGEC), bà không chỉ là một luật sư tài năng mà còn là một nhà lãnh đạo, một người kết nối, và một tấm gương sáng về sự cống hiến và trách nhiệm. Với triết lý sống “Trao chữ tín...