Một trong những sửa đổi mang tính nền tảng là xóa bỏ sự phân biệt giữa công chức cấp xã và cấp tỉnh. Theo đó, những người đang giữ chức danh công chức cấp xã sẽ được chuyển thành công chức chính thức nếu đáp ứng trình độ đào tạo theo quy định, không cần xét đến thời gian công tác hay điều kiện ngạch như trước đây. Với những trường hợp đang trong thời gian tập sự, sẽ được chấm dứt tập sự và xếp ngạch tương ứng ngay lập tức.
Điều này không chỉ giúp thống nhất chế độ công vụ toàn quốc mà còn giảm thiểu rào cản hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công chức cấp xã được công nhận và phát triển năng lực.
Trọng tâm của Luật sửa đổi là chuyển đổi toàn diện cách thức quản lý cán bộ, công chức từ mô hình dựa trên ngạch – bậc sang mô hình dựa trên vị trí việc làm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ (KPI).
Cụ thể, vị trí việc làm được phân thành ba nhóm:
Vị trí lãnh đạo, quản lý
Vị trí chuyên môn, nghiệp vụ
Vị trí hỗ trợ, phục vụ
Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm công chức đều phải dựa vào yêu cầu cụ thể của từng vị trí, đồng thời căn cứ vào sản phẩm công việc, tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. KPI được đưa vào làm thước đo hiệu quả, là cơ sở để đánh giá thường xuyên, đa chiều và định lượng đối với từng cán bộ, công chức.
Đặc biệt, Luật không còn coi vị trí việc làm gắn chặt với ngạch công chức như trước. Ngạch chỉ còn là công cụ kỹ thuật để xác định thứ bậc và chuyên môn. Công chức sẽ được xếp ngạch theo đúng vị trí làm việc, thay vì xếp ngạch rồi mới phân công công việc như lâu nay.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là việc bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, Nhà nước có thể kết hợp sử dụng cán bộ, công chức và ký hợp đồng với các chuyên gia, doanh nhân, nhà khoa học, luật sư giỏi… để đảm nhận một số vị trí lãnh đạo, quản lý, đặc biệt ở những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao.
Chính phủ sẽ ban hành cơ chế tài chính riêng cho chính sách này, không tính vào biên chế, quỹ lương hay khoán chi hành chính, nhằm bảo đảm tính linh hoạt và chủ động trong tuyển dụng người tài.
Luật mới cũng bỏ hình thức kỷ luật giáng chức để thống nhất với quy định về kỷ luật Đảng. Hình thức “hạ bậc lương” cũng không còn được duy trì, thay vào đó, công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị bố trí vào vị trí thấp hơn với mức ngạch – bậc lương tương ứng.
Bên cạnh đó, Luật lần đầu tiên quy định rõ nguyên tắc loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có sai sót trong quá trình thực hiện sáng kiến, đề xuất đổi mới nếu đảm bảo đúng quy trình, không vụ lợi và thiệt hại đến từ yếu tố khách quan. Đây là bước đi thể hiện tinh thần Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị, nhằm bảo vệ người dám nghĩ, dám làm trong hệ thống công quyền.
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, riêng các quy định về đánh giá công chức theo vị trí việc làm và KPI sẽ áp dụng từ 1-1-2026.
Việc Quốc hội thông qua những thay đổi sâu rộng này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tư duy “dĩ hòa vi quý” trong bộ máy hành chính, thay vào đó là một nền công vụ đặt trọng tâm vào hiệu quả, sản phẩm và trách nhiệm cụ thể của từng vị trí công tác. Đồng thời, đây cũng là hành lang pháp lý quan trọng để thu hút người giỏi vào làm việc trong khu vực công, tạo nên một hệ thống nhân sự năng động, thực chất, đổi mới và đủ sức dẫn dắt quá trình phát triển trong giai đoạn mới.
Liên hệ tư vấn:
Email: tuvan1@luatnguyen.com | tuvan2@luatnguyen.com
Zalo Official: Văn Phòng Luật Sư Luật Nguyễn
Fanpage: LUẬT NGUYỄN
Website: luatnguyen.vn
Q-BTT Luật Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Từ những bước đi đầu tiên, Luật Nguyễn đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những đơn vị tư vấn pháp lý hàng đầu tại Việt Nam, mang đến các giải pháp toàn diện, chuyên nghiệp và đáng tin cậy cho hàng ngàn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. LUẬT NGUYỄN - HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG UY TÍN TỪ...